Thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497) ở làng Phúc Khê, huyện Thanh Lan, phủ Tiên Hưng (nay là xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) gia đình ông bà Quách ý Trung, có 4 người con, trong đó 2 người đỗ tiến sĩ, làm quan đến Thượng thư, cùng giữ chức ở Ngự sử đài, cùng được cử đi sứ nhà Minh (Trung Quốc), cùng được lịch sử ghi nhận là "Người phò tá có công lao, tài đức" đó là quách Đình Bảo (1440 - 1511) và Quách Hữu Nghiêm (1445 - 1507).
Người anh Quách Đình Bảo, đỗ Hội nguyên năm 24 tuổi (1463), khi thi đình đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ. Ông ra làm quan theo hầu bên cạnh vua. Buổi đầu hàm trực học sĩ Viện Hàn lâm. Năm 1470 được ban chức Lại Bộ Thượng Thư. Sau khi đi sứ nhà Minh về được bổ Đông các hiệu thư, trải thăng phó Đô ngự sử kiêm Tả xuân phường, Tả trung doãn. Năm 1483 thăng Thượng thư bộ Lễ, kiêm các chức như cũ. Năm 1485 được đổi sang Thượng thư bộ Hình cho đến lúc cáo quan về nhà.
Quách Hữu Nghiêm là em thứ tư trong gia đình, đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ năm 22 tuổi (1466) làm phó Đô ngự sử, coi việc thi điện rồi tăng Đô ngự sử. Năm 1500, ông được đổi bổ thái thường tự khanh. Năm 1502 được cử sang sứ nhà Minh (Trung Quốc). Về nước, ông được thăng Thượng thư bộ Lại, kiêm Phó đô ngự sử. Ông bị tai nạn chết năm 62 tuổi (1507)
Đó là hai nhà giáo, hai nhà sư phạm. Về tuổi đời, hai ông hơn kém nhau năm tuổi và người anh đỗ trước người em ba năm. Nhưng hai ông đều được vua Lê Thánh Tông cử chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng nhân tài cho đất nước. Quách Đình Bảo cùng một số quan lại thần trong Viện Hàm lâm làm "độc quyển" liền trong 3 kỳ thi 1469 - 1472 - 1475, rồi lại được giao việc tập hợp danh sách các Tiến sĩ thị đỗ từ năm 1442 đến 1484 để khắc vào bia Văn Miếu.
Quách Hữu Nghiêm được cử làm giám thị (chủ khảo) khoa thị năm Canh Tuất (1490), làm đề hiệu (phó chủ khảo) các khoa thi Quý Sửu (1493), Bính Thìn (1496). Hai ông đã tuyển chọn hàng trăm nhân tài cho đất nước. Ông cũng chia sẻ việc dạy dỗ các thái tử. Với cương vị được giao, hai ông đã dâng biểu xin cải cách lại chế độ thi cử, chế độ đãi ngộ tuyển dụng với sinh viên Quốc Tử Giám như việc thống nhất một học vị Tiến sĩ thay cho các học vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa... hoặc chế độ phân biệt các thí sinh thi Hội trúng một, hai, ba trường có phân biệt trợ cấp tiền lương và chế độ bổ dụng... Các sớ biểu của hai ông đều được vua Lê Thánh Tông chấp nhận cho thi hành.
Đánh giá về khoa cử thời Lê Thánh Tông (Hồng Đức) sách "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú ghi: "Khoa cử các đời thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau này không thể theo kịp". Kết quả ấy chắc chắn có sự đóng góp của hai ông.
Đó là hai sứ thần, hai nhà ngoại giao tài ba.
Tháng 10 năm Canh Dần, Hồng Đức thứ I (1470) Quách Đình Bảo được cử sang sứ nhà Minh (Trung Quốc). Nhiệm vụ của ông là tâu trình với vua Minh về việc (người Minh) mò trộm trân châu và việc địa phương bị lấn cướp. Mùa thu tháng 8 Nhâm Tuất (1502) đến lượt Quách Hữu Nghiêm đi sứ nhà Minh. Qua việc tâu trình vua Minh xem biểu khen ông là "Nhân tài đời tam đại" (thời Hạ - Thương - Chu ) được vua Minh ban tăng áo, mũ, khi về được cấp ngựa, thuyền đưa về nước.
Sử sách viết về các lần đi sứ của hai ông không nhiều. Chỉ biết rằng khi đi sứ về, hai ông đều được thăng chức cao hơn. Về lần đi sứ của Quách Hữu Nghiêm, sử gia Phan Huy Chú nhận xét là "Nhà ngoại giao đầy mưu chước chính trị". Hai ông đã làm tròn nhiệm vụ của sứ thần "Toàn quân mệnh, tráng quốc uy" (làm tròn mệnh vua, làm tăng thế nước).
Đó là hai con người trung thực, thẳng thắn.
Chức Thượng thư có từ đời Lý, thời Lê sơ chỉ có hai bộ: bộ Lại, bộ Lễ. Từ thời Lê Nghi Dân mới đặt đủ 6 bộ (bộ Lại, bộ Hộ, bộ Lễ, bộ Binh, bộ Hình, bộ Công). Quách Đình Bảo đã trải phụ trách các bộ Lại, Lễ, Hình. Quách Hữu Nghiêm phụ trách bộ Lại.
Công việc hai ông từng trải qua là: Chọn bổ xét hạch, thăng giáng và các việc điều bổ chức (khuyết) cấp cho (bổng lộc)... việc học hành, việc thi cử, các chi tiết về áo mũ, ấn dấu, chương dấu, bài biểu, việc đi cống, đi sứ vào chầu. Lại kiêm trông coi các việc về tự nhiên (thiên văn)... việc luật hình, hình pháp, xét lại ngục tạng, xử tội về 5 hình.
Trong lúc ở chức Thượng thư, hai ông còn kiêm chức ở Đô ngự sử. Đây là cơ quan "Coi ngữ phong hòa, pháp độ nên chức danh rất trọng". Có thời Quách Hữu Nghiêm giữ chức Đô ngự sở, còn khi kiêm, hai ông đều là Phó đô ngự sử.
Quách Đình Bảo cùng Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận viết "Thiên Nam dự hạ tập" và "Thân chính ký sự" - bộ sách có tới hàng trăm quyển (đáng tiếc đã thất tán nhiều). Các ông tâu bày việc phát sách xuống địa phương và phải được giao đúng người cần "Sách học không được giao cho học quan, sách thuốc không được giao cho y quan thì cứ thực tâu lên giao cho bộ hình trị tội". Ông xác định "Kinh sư (thủ đô) là nơi căn bản của bốn phương, tiền của trao đổi, mua bán tất cả phải cho lưu thông, đủ dùng không để túng thiếu".
Với Quách Hữu Nghiêm, từ khi còn là phó Đô ngự sử, ông đã "Giúp vua sửa điều lỗi, chữa điều lầm, trừ bỏ điều ác, biểu dương điều thiện". Từ đường họ Quách ở làng Phúc Khê còn giữ được bức đại tự ghi những lời ban khen của triều đình nhà Lê "Thi lễ truyền gia".
(Nhân Dân - 18.7.1999)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét